Các phương pháp rèn luyện kỹ năng quản lý tài chính cho trẻ

Phương pháp phù hợp nhất để trẻ có thể học tập và rèn luyện các kỹ năng tài chính là thông qua các hoạt động hàng ngày. Năm mới là một cơ hội tuyệt vời để các em luyện tập các kỹ năng khi mua sắm cùng gia đình và quản lý tiền mừng tuổi. Dưới đây là các mẹo nhỏ để trẻ có thể hình thành các thói quen tốt về quản lý tài chính:
 

1. Đặt mục tiêu tiết kiệm
Đặt mục tiêu là một phương pháp hình thành thói quen tiết kiệm nhanh nhất. Khái niệm “tiết kiệm” đang bị một số người hiểu nhầm là số tiết giữ lại sau khi thực hiện các khoản chi. Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ dành ra một khoản tiết kiệm trước mỗi khi trẻ có một khoản “thu” mới.
Trẻ có thể đặt mục tiêu tiết kiệm cho một quyển sách, một món đồ chơi hoặc một món đồ ăn vặt. Việc hình thành thói quen tiết kiệm trước khi tiêu tiền không chỉ giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc tiết kiệm, mà còn hình thành tính kiên nhẫn và kỷ luật.

2. Phân biệt cần và muốn
Hướng dẫn trẻ phân biệt “cần” và “muốn” trước khi tiêu tiền. “Cần” là những thứ chúng ta không thể sống thiếu, như là thức ăn và nước. “Muốn” là những thứ chúng ta mong muốn có được nhưng không thiết yếu và sẽ không có ảnh hưởng quá lớn tới cuộc sống. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ lập một danh sách những thứ trẻ muốn mua và cùng phân chúng vào mục “cần” hay “muốn”.

3. Lập và theo dõi ngân sách
Trẻ có thể học cách lập ngân sách với các hạng mục “Thu” và “Chi”; trong đó “Thu” là các khoản tiền kiếm được hoặc được tặng; “Chi” là các khoản tiền để mua sắm hoặc tiết kiệm. Trẻ cần lập ngân sách và theo dõi hang ngày để hình thành thói quen quản lý tài chính.

4. Cho trẻ cơ hội “kiếm tiền”
Để có thể học cách quản lý tài chính, trẻ cần có “tài chính” để thực hành. Thay vì đưa tiền cho trẻ mỗi khi con có nhu cầu, cha mẹ có thể đưa trẻ một khoản tiền tiêu vặt cố định theo định kỳ, hoặc đưa tiền cho trẻ sau khi con làm việc nhà. Việc này sẽ giúp trẻ có trách nhiệm hơn mỗi khi đưa ra quyết định tài chính.

5. Làm mẫu để trẻ học theo
Trẻ em sẽ quan sát và học theo các hành động của cha mẹ. Nếu cha mẹ có những thói quen tài chính tốt như đặt mục tiêu tiết kiệm, cân nhắc kỹ trước khi mua sắm,… trẻ sẽ dần hình thành tư duy và thói quen tài chính tương tự trong quá trình trưởng thành.

Kỹ năng tài chính là một kỹ năng quan trọng và nên được hình thành từ sớm để có được sự hiệu quả cao. Việc thành thạo những kỹ năng tài chính từ sớm có thể giúp trẻ thành công hơn trong lương lai. Tiết kiệm, lập và thực hiện theo ngân sách cũng như các bài học khác về tài chính là nền tảng vững chắc hỗ trợ trẻ khi cần đưa ra các quyết định tài chính quan trọng.

Nguồn: Investor and Financial Education Council (IFEC), Global Indian Internation School